Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng

Trong khu vực Kinh đô xưa còn dày đặc các di sản văn hóa với hàng trăm di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và nhiều lễ hội truyền thống, trò diễn, dân ca nghi lễ, diễn xướng dân gian. Mỗi nơi thờ tự, từng di chỉ khảo cổ học đều liên quan tới các hoạt động thời vua Hùng. Làng Minh Nông với lễ hội Tịch điền, ghi lại công đức vua Hùng dạy dân trồng lúa nước. Đàn cầu cúng Thần Nông gốc tại Đồng Lú do Vua Hùng sáng lập sau lan tỏa cùng với kỹ thuật gieo mạ cấy lúa nước ra xung quanh, đến với những vùng xa xôi. Các nghi lễ Tịch điền vẫn còn duy trì đến ngày nay.


Còn ở đình làng Thét, xã Kim Đức, điệu hát Xoan có từ thời Vua Hùng, đã được biết bao thế hệ giữ gìn, bảo tồn và phát huy cho đến ngày nay được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa của nhân loại. Cùng với đó, qua khai quật, nghiên cứu của các nhà khảo cổ học thông qua các hiện vật thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn đã chứng minh thời kỳ phát triển rực rỡ của dân tộc thông qua kỹ thuật luyện kim, trình độ sản xuất nông nghiệp, các hoạt động văn hóa nghệ thuật…

Kinh đô Văn Lang-Thủ đô đầu tiên của nước Việt Nam được xác lập từ thời đại các Vua Hùng. Toàn bộ khu vực kinh đô Văn Lang được thiết lập trên không gian các địa phương Việt Trì, Phù Ninh, Lâm Thao. Thống kê mới đây nhất, trong khu vực Kinh đô Văn Lang xưa đã có 71 di chỉ khảo cổ học có liên quan tới việc thờ tự các vua Hùng.

Với những di tích khảo cổ học và các luận điểm nêu trên, đã chứng minh cội rễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ thời đại các Vua Hùng, bởi nếu không có thời đại Hùng Vương thì không có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Và Khu di tích lịch sử đền Hùng, mà trung tâm là núi Nghĩa Lĩnh chính là nơi gốc thờ tự các Vua Hùng của cả dân tộc- và đây cũng là nguồn gốc của tục thờ Tổ tiên của từng gia đình, dòng họ người Việt Nam.

Đặc biệt hơn, trong khu vực Kinh đô Văn Lang xưa, các Vua Hùng đã chọn núi Nghĩa Lĩnh, ngọn núi cao nhất vùng để thực hiện các nghi lễ theo tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thời bấy giờ. Việc thờ thần lúa, thờ thần mặt trời để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở, con người được no đủ. Về sau này, để ghi nhớ công lao to lớn của các Vua Hùng, con cháu đã lập đền thờ các Vua Hùng.

Từ trung tâm thờ tự các Vua Hùng đầu tiên này, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần dần lan tỏa tới các nơi. Đầu tiên là các “vệ tinh” dưới chân núi Nghĩa Lĩnh như đình làng Cổ Tích xã Hy Cương, đình làng Trẹo thị trấn Hùng Sơn... Và cứ thế, mỗi nơi Vua Hùng đi qua, mỗi nơi Vua Hùng làm việc, vui chơi, giải trí, thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng đều được nhân dân lập nơi thờ tự. Từ Đền Hùng, tín ngưỡng gốc không những mai một mà còn có sức sống lâu bền, mở rộng từ đời này qua đời khác, từ đồng bằng lên miền núi, từ Bắc vào Nam, từ đất liền ra biển khơi, từ trong nước ra nước ngoài. Đất nước có lúc thịnh lúc suy, có lúc rơi vào tay giặc ngoại xâm cả ngàn năm nhưng việc thờ cúng Hùng Vương vẫn được các thế hệ thực hiện, duy trì đến ngày nay và còn mãi đến muôn đời sau. Ngay từ thời Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, vào mùa xuân năm Canh Tý (40), hai bà đã làm lễ tế cờ xuất binh với lời thề: “Một xin rửa sạch quốc thù/Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng”.

Tín ngưỡng thờ cũng vua Hùng ở Việt Nam
Tín ngưỡng thờ cũng vua Hùng ở Việt Nam

Tín ngưỡng thờ Hùng Vương không chỉ tồn tại trong đời sống nhân dân mà bất kỳ thời nào, chế độ nào cai trị đất nước, chính quyền và người đứng đầu chính quyền cũng đều chăm lo việc thờ cúng. Các bậc vua chúa có người đến được, có người không đến được nhưng đều chỉ đạo cho người dưới quyền lên Đền Hùng thực hiện nghi lễ thờ cúng. Trong bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470- đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông - năm 1601 (sao chép đóng dấu kiềm để tại Bảo tảng Hùng Vương thuộc Khu di tích) có đoạn: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói...”. Từ xa xưa, các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Những người dân này được triều đình miễn nộp thuế ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.

Cho đến ngày nay-Thời đại Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều về đây thăm viếng Vua Hùng. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Và ngày nghỉ này những năm gần đây lại tiếp tục thực hiện. Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng 1 tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và 1 thanh gươm quý nhằm kính cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Nghi lễ thờ cúng không những được quan tâm duy trì mà chính quyền và nhân dân các thế hệ còn bỏ công sức, tiền của để xây dựng, tôn tạo nơi thờ cúng. Ngày nay, bằng tấm lòng tri ân công đức Tổ tiên, đồng bào và kiều bào ta ở khắp nơi đã về đây dâng cúng của cải vật chất, công sức tu bổ, bồi đắp Khu di tích để xứng đáng với công lao to lớn của các Vua Hùng đã có công dựng nước và xứng tầm với di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia. Từ đó thêm khẳng định rằng từ tín ngưỡng gốc này, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa và ngày càng ăn sâu trong tâm trí của mọi thế hệ con dân đất Việt.